Nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh
đạo doanh nghiệp cho rằng cần có cái nhìn đa chiều, chính xác và phù hợp về
tỷ lệ thuế, phí tại Việt Nam khi so sánh với các nước trong khu vực.
Viện
trưởng Viện CL&CS Tài chính Vũ Nhữ Thăng: “Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực tạo
môi trường bình đẳng, ổn định cho doanh nghiệp hoạt động cũng như thu hút
đầu tư. Trong lộ trình cải cách thuế tới năm 2020 đã trình Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt, sẽ thực hiện giảm dần mức thuế suất thuế thu nhập doanh
nghiệp. Hiện Bộ Tài chính đang soạn thảo và dự kiến thời gian tới sẽ trình
Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh
nghiệp trong năm 2013”.
Theo "Báo cáo Kinh tế vĩ mô thường
niên năm 2012" trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm
tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô”, do Cơ quan Phát triển LHQ (UNDP) tài
trợ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thực hiện, với sự hỗ trợ của Nhóm Tư
vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG) có đưa ra thông tin về tỷ lệ thuế, phí trên
GDP của Việt Nam đang cao hơn từ 1,4 đến 3 lần so với các nước trong khu vực.
Tại phiên họp báo Chính phủ
thường kỳ tháng 8/2012 ngày 5/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã
khẳng định Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ huy động thuế,
phí ở mức trung bình trên thế giới và bà Vũ Thị Mai đưa ra nhiều dẫn chứng
cụ thể cho nhận định này.
Trao đổi với TBTCVN, ông Vũ Nhữ
Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược tài chính cũng cho rằng, vấn đề này cần được
nhìn nhận đa chiều và để so sánh một cách chính xác, phù hợp, các nguồn số liệu
đưa ra cần phải tính trên một mặt bằng.
Cụ thể, theo số liệu của Ngân
hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2011, một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan,
Philppines, chỉ lấy nguồn từ chính quyền trung ương, chứ không lấy tổng thu của
cả 4 cấp ngân sách như Việt Nam, để tính tỷ lệ động viên vào ngân sách.
Theo nguồn của Quỹ Tiền tệ quốc
tế (IMF) năm 2010, tỷ lệ động viên trung bình từ thuế của các nước là 28,7%,
trong đó các nước có điều kiện tương đương Việt Nam (có thu nhập trung bình
thấp) có tỷ lệ là 26,4%. Tỷ lệ hiện nay ở Việt Nam là 26,7%.
Ngoài ra, các số liệu được dùng
để tính tỷ lệ này chỉ tính nguồn thu từ thuế và phí, chứ không tính tổng nguồn
thu. Trong khi đó, tổng thu ngân sách của Việt Nam còn có khoản thu từ dầu thô,
từ sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, trong đó thu từ dầu thô đang
được xếp vào nhóm thu từ thuế, phí.
Nếu trừ đi các khoản này, tỷ lệ
thu của Việt Nam không hề các cao so với khu vực. Theo số liệu từ năm 2006-2010,
nếu trừ đi cả khoản thu từ dầu thô, tiền nhà, đất và viện trợ, thì tỷ lệ huy
động ngân sách nhà nước vào khoảng 20% GDP. Nếu chỉ tính thu nội địa, tức là
không bao gồm thu từ hoạt động ngoại thương (trừ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu,
thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu), tỷ lệ huy động
ngân sách nhà nước từ thuế, phí trên GDP chỉ khoảng 14%.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ
tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nếu lấy số thực thu trừ đi số thu về đất và dầu
thô thì tỷ lệ động viên trong giai đoạn 2006-2010 chỉ có 14%, có giai đoạn chỉ
12%. Nếu tỉnh cả số thu về đất và dầu thô để so sánh với các nước thì đó là sự
so sánh khập khiễng.
Còn theo bà Hà Thu Thanh, Tổng
giám đốc Deloitte tại Việt Nam - thành viên của hãng kiểm toán và tư vấn hàng
đầu trên thế giới – số thuế của các doanh nghiệp phải nộp trong nhiều năm qua đã
được giảm đi tương đối trong lộ trình cải cách thuế của Việt Nam. Trong 10 năm
qua, đầu tư ở Việt Nam đã tăng khá mạnh và ngoài các yếu tố chính trị ổn định,
nhân công rẻ, một yếu tố được các nhà đầu tư cân nhắc là chi phí thuế ở một mức
độ hợp lý.
Ông Habbib Rab, chuyên gia kinh
tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, nếu tính một cách xác thực, tỷ
lệ thuế và phí của Việt Nam vào khoảng 20% GDP, là mức thông thường. Điều này có
thể so sánh với các quốc gia trong khu vực, hiện một số quốc gia có tỷ lệ thuế
và phí lên tới 40% GDP.
Riêng về mức thuế thu nhập
doanh nghiệp, ông Vũ Nhữ Thăng cho biết Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng
giảm dần như các nước trong khu vực những năm gần đây. Từ năm 2003 đến nay, Quốc
hội đã nhiều lần điều chỉnh mức thuế suất từ 32% xuống còn 28% và hiện nay là
25%. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Viện Chiến lược tài chính, mức thuế
suất trung bình của 83 quốc gia năm 2011 là 27%. Theo ông Vũ Nhữ Thăng, mức thuế
của Việt Nam là phù hợp với nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước những khó khăn hiện tại
của nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp
tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có nhiều
giải pháp về thuế, đồng thời Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội ban hành một số
giải pháp về thuế.
Về dài hạn, theo ông Vũ Nhữ
Thăng, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực tạo môi trường bình đẳng, ổn định cho doanh
nghiệp hoạt động cũng như thu hút đầu tư. Trong lộ trình cải cách thuế tới năm
2020 đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ thực hiện giảm dần mức thuế suất
thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện Bộ Tài chính đang soạn thảo và dự kiến thời
gian tới sẽ trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Thuế
thu nhập doanh nghiệp trong năm 2013.
Nguồn: BTC
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã nhận xét